Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tích cực đẩy nhanh tiến độ triển khai, nâng cao hiệu quả thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Các Bộ, ngành, địa phương tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Tại Công văn số 10221/VPCP-KGVX, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, nghiên cứu báo cáo, đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bám sát các nhiệm vụ được giao tại Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030, phối hợp với các cơ quan liên quan tích cực đẩy nhanh tiến độ triển khai, nâng cao hiệu quả thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; thực hiện nghiêm chế độ báo cáo theo quy định.
Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông và các Bộ, cơ quan liên quan xây dựng hệ thống chỉ tiêu thống kê báo cáo đồng bộ việc thực hiện Nghị quyết 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị, Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW và Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tích hợp trong Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia và Trung tâm chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
* Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang làm thay đổi các hoạt động kinh tế - xã hội, mở ra cơ hội, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức đối với các nền kinh tế. Nhiều nước trên thế giới đã và đang xây dựng, thực hiện các chính sách khác nhau để chủ động khai thác lợi ích của các công nghệ mới, thúc đẩy phát triển kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư có tiềm năng đem lại lợi ích to lớn cho nền kinh tế như: cắt giảm chi phí, nâng cao năng suất; các mô hình kinh doanh có chi phí cận biên rất nhỏ, tạo hiệu ứng mạng lưới; cơ hội phát triển các sản phẩm và dịch vụ mới;...
Nhận thức được lợi ích của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Đảng và Nhà nước ta đã có định hướng xây dựng chính sách và một số chương trình để chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó nhấn mạnh tới ứng dụng và phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Cụ thể là: Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhấn mạnh “khai thác triệt để thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4”; Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư xác định "Chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là yêu cầu tất yếu khách quan; là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội…". Trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17/4/2020 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 52-NQ/TW, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2289/QĐ-TTg ngày 31/12/2020 Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030 với mục tiêu tổng quát là chủ động tận dụng có hiệu quả các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; cơ bản làm chủ và ứng dụng rộng rãi công nghệ mới trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội; từng bước sáng tạo được công nghệ mới nhằm thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược và hiện đại hóa đất nước; phát triển mạnh mẽ kinh tế số; phát triển nhanh và bền vững dựa trên khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao; nâng cao chất lượng cuộc sống, phúc lợi và sức khỏe của người dân; bảo đảm vững chắc quốc phòng an ninh bảo vệ môi trường sinh thái; nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế và gắn kết chặt chẽ quá trình ứng dụng Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với công tác bảo vệ an ninh mạng./.