Sign In

Bộ TN&MT ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia

10:48 19/07/2024

Chọn cỡ chữ A a

Bộ TN&MT vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia đồng bộ, hiện đại

Kế hoạch nhằm mục đích xây dựng lộ trình, kế hoạch triển khai thực hiện bảo đảm phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ, nội dung của Quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đồng thời, cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp và huy động nguồn lực gắn với trách nhiệm của các đơn vị trực thuộc Bộ, các Bộ, ngành và địa phương liên quan trong việc triển khai thực hiện Quy hoạch góp phần hoàn thành các mục tiêu đã được Thủ tướng Chính phủ giao Bộ TN&MT thực hiện, bảo đảm tiến độ, chất lượng và hiệu quả.

Kế hoạch tập trung vào 4 nội dung chính, bao gồm: Rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách và hướng dẫn kỹ thuật về quan trắc môi trường; Tổ chức triển khai các hoạt động quan trắc môi trường theo mạng lưới các điểm quan trắc đã được phê duyệt; Quản lý các thông tin, số liệu quan trắc môi trường hướng tới phục vụ cho mục tiêu cảnh báo, dự báo chất lượng môi trường; Đẩy mạnh khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế; Đào tạo và tăng cường năng lực.

Rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách và hướng dẫn kỹ thuật quan trắc môi trường

Đối với nội dung rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách và hướng dẫn kỹ thuật về quan trắc môi trường, Kế hoạch tập trung rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quan trắc môi trường và các quy định pháp luật có liên quan đảm bảo tính thống nhất, phù hợp với thực tế quản lý; xác định các vấn đề mới phát sinh cần điều chỉnh, sửa đổi và đề xuất đưa vào chương trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Bộ TN&MT;

Cùng với đó, Kế hoạch tập trung hoàn thành xây dựng và ban hành Thông tư quy định về định mức kinh tế - kỹ thuật cho hoạt động quan trắc môi trường phù hợp với thực tế phát triển kinh tế - xã hội; Xây dựng quy định về quy trình và định mức kinh tế - kỹ thuật cho hoạt động kiểm kê, quan trắc đa dạng sinh học; Xây dựng quy định về quy trình và định mức kinh tế kỹ thuật cho hoạt động cảnh báo, dự báo chất lượng môi trường; công bố, công khai thông tin, dữ liệu quan trắc môi trường.

Bộ TN&MT giao các cơ quan đơn vị tùy theo chức năng rà soát, cập nhật các phương pháp kỹ thuật quan trắc môi trường trong quá trình sửa đổi các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường; Nghiên cứu, bước đầu đề xuất các cơ chế chính sách khuyến khích, tăng cường xã hội hóa hoạt động quan trắc môi trường, huy động sự tham gia của các nguồn lực xã hội đầu tư cho hoạt động quan trắc chất lượng môi trường. Rà soát, xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật phục vụ hiệu quả cho công tácquan trắc môi trường. Kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý, nhân sự của các đơn vị thuộc mạng lưới quan trắc môi trường đảm bảo đáp ứng việc thực hiện Quy hoạch.

Tổ chức triển khai các hoạt động quan trắc môi trường

Đối với nội dung tổ chức triển khai các hoạt động quan trắc môi trường theo mạng lưới các điểm quan trắc đã được phê duyệt, Bộ TN&MT tiếp tục duy trì đối với 19 trạm quan trắc chất lượng không khí tự động, liên tục đã được đưa vào vận hành theo Quy hoạch trước đây; nâng cấp, sửa chữa những hạng mục cần thiết đảm bảo đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật về trạm không khí xung quanh tự động, liên tục theo quy định.

Bộ cũng hoàn thành việc lắp đặt và đưa vào sử dụng đối với 18 trạm quan trắc chất lượng không khí tự động, liên tục trong Dự án "Đầu tư xây dựng mạng lưới quan trắc môi trường không khí (giai đoạn 1)", đảm bảo việc cung cấp số liệu quan trắc môi trường theo quy định.

Tới năm 2030, đạt mục tiêu hoàn thành đầu tư mới đối với 16 trạm quan trắc chất lượng không khí tự động, liên tục trong đó bao gồm 06 trạm quan trắc chất lượng không khí nền đại diện cho 06 vùng phát triển kinh tế - xã hội theo quy hoạch và sau năm 2030 sẽ triển khai đầu tư bổ sung thêm 15 trạm.

Bộ TN&MT tiếp tục duy trì vận hành đối với 22 trạm quan trắc chất lượng nước tự động, liên tục đã được đưa vào vận hành và chuyển đổi 02 điểm quan trắc chất lượng nước được lồng ghép với Trạm thủy văn Tân Châu (An Giang) và trạm Thủy văn Mỹ Thuận (Vĩnh Long) thành trạm quan trắc chất lượng nước tự động, liên tục theo Quy hoạch được phê duyệt.

Tới năm 2030, hoàn thành đầu tư mới đối với 12 trạm quan trắc chất lượng nước tự động, liên tục và sau năm 2030 sẽ triển khai đầu tư bổ sung thêm 23 trạm; Tiếp tục duy trì, vận hành đối với 06 trạm quan trắc chất lượng nước biển.

Bộ TN&MT có kế hoạch triển khai Quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia

Tập trung quản lý các thông tin, số liệu quan trắc môi trường

Theo Kế hoạch, Bộ TN&MT cũng sẽ tập trung quản lý các thông tin, số liệu quan trắc môi trường hướng tới phục vụ cho mục tiêu cảnh báo, dự báo chất lượng môi trường. Theo đó, Bộ sẽ xây dựng các hướng dẫn kỹ thuật quan trắc môi trường và việc quản lý thông tin, số liệu quan trắc môi trường phục vụ hiệu quả cho hoạt động quan trắc môi trường theo Quy hoạch đồng thời hỗ trợ hiệu quả cho các chương trình quan trắc môi trường cấp tỉnh;

Nghiên cứu, thiết kế, xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về quan trắc môi trường quốc gia theo hướng tích hợp hệ thống dữ liệu quan trắc chất lượng môi trường trên phạm vi cả nước; thực hiện chia sẻ dữ liệu và công bố thông tin chất lượng môi trường tại các điểm quan trắc chất lượng môi trường do trung ương và địa phương quản lý; Tập trung hiện đại hóa và tăng cường năng lực cho các trung tâm xử lý dữ liệu quan trắc môi trường, triển khai một số mô hình chuyển đổi số bảo đảm thông tin đồng bộ, có hệ thống và độ tin cậy cao. Bước đầu xây dựng và phát triển công tác cảnh báo và tiến tới dự báo chất lượng môi trường tại một số thành phố lớn.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong quan trắc môi trường

Để đẩy mạnh khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế, Kế hoạch tập trung nghiên cứu, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động truyền, nhận, lưu trữ, xử lý, phân tích và khai thác số liệu quan trắc môi trường; Tăng cường ứng dụng công nghệ, thiết bị quan trắc tự động trong hoạt động quan trắc môi trường; Nghiên cứu việc sử dụng dữ liệu vệ tinh phục vụ quan trắc, giám sát chất lượng môi trường phù hợp với điều kiện tự nhiên và kinh tế - xã hội;

Cùng với đó, nghiên cứu áp dụng công cụ kỹ thuật, trang thiết bị phục vụ hoạt động quan trắc đa dạng sinh học; ưu tiên hệ thống thông tin địa lý, các bản đồ và ảnh viễn thám, thiết bị bẫy ảnh, bẫy âm thanh, thiết bị định vị vệ tinh và các giải pháp công nghệ mới trong thu nhận, truyền dẫn, xử lý dữ liệu thông minh nhằm tối ưu hóa truyền dẫn, khai thác, sử dụng dữ liệu quan trắc đa dạng sinh học.

Đối với nội dung đào tạo và tăng cường năng lực, Kế hoạch tập trung tăng cường các hoạt động đào tạo, tập huấn, trao đổi thông tin; hướng dẫn, cập nhật các kỹ thuật về quan trắc môi trường và quản lý thông tin, cơ sở dữ liệu quan trắc môi trường giữa các đơn vị quan trắc môi trường của Trung ương, Bộ, ngành và các địa phương nhằm tăng cường năng lực kỹ thuật cho các cán bộ quan trắc môi trường;

Tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo chất lượng môi trường trên cơ sở ứng dụng mô hình hoá, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật (IOT); Xây dựng và phổ biến các hướng dẫn kỹ thuật về quan trắc môi trường cho các cán bộ trong mạng lưới quốc gia và địa phương.

Phân công nhiệm vụ cụ thể

Để triển khai hiệu quả các nội dung đặt ra, Kế hoạch cũng phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị để tổ chức thực hiện. Theo đó, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường; Tổng cục Khí tượng Thủy văn; Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; Trung tâm Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước quốc gia phối hợp với Vụ Kế hoạch – Tài chính và các đơn vị có liên quan thực hiện các chương trình quan trắc môi trường định kỳ theo nội dung được phân công.

Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường; Tổng cục Khí tượng Thủy văn  phối hợp với Vụ Kế hoạch – Tài chính và các đơn vị liên quan duy trì vận hành các trạm quan trắc môi trường tự động, liên tục; nâng cấp, sửa chữa những hạng mục cần thiết đảm bảo đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật về trạm quan trắc tự động, liên tục.

Về xây dựng quy định pháp luật, cơ chế chính sách, hướng dẫn kỹ thuật, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thiện các quy định, hướng dẫn kỹ thuật quan trắc môi trường tại Việt Nam, xây dựng Thông tư quy định về quy trình kiểm kê, quan trắc đa dạng sinh học…

Ý kiến

Đảm bảo môi trường có chất lượng tốt, bảo đảm sống trong lành cho người dân

Đảm bảo môi trường có chất lượng tốt, bảo đảm sống trong lành cho người dân

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 611/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu đến đến năm 2050, môi trường Việt Nam có chất lượng tốt, bảo đảm môi trường sống trong lành cho nhân dân; bảo đảm an ninh môi trường gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững…