Sign In

Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2017

05:32 17/07/2017

Chọn cỡ chữ A a

Ngày 14/7, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2017. Bộ trưởng Trần Hồng Hà và các Thứ trưởng: Nguyễn Linh Ngọc, Nguyễn Thị Phương Hoa, Võ Tuấn Nhân chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ; Thường trực Đảng ủy Bộ, Chủ tịch Công đoàn Bộ, Bí thư Đoàn TNCSHCM Bộ; Thủ trưởng đơn vị quản lý nhà nước trực thuộc các Tổng cục, Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà và các Thứ trưởng: Nguyễn Linh Ngọc, Nguyễn Thị Phương Hoa, Võ Tuấn Nhân chủ trì Hội nghị

Tại Hội nghị lần này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có nhiều đổi mới trong công tác sơ kết như: Không sử dụng báo cáo bằng văn bản mà áp dụng công nghệ thông tin, sử dụng báo cáo qua hệ thống máy tính; thay vì báo cáo chung cho tất cả các lĩnh vực thì tại hội nghị này, Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện việc báo cáo toàn diện, chi tiết hơn trên tất cả các lĩnh vực dựa trên chỉ số cụ thể.

Hội nghị cũng là dịp để lãnh đạo Bộ và lãnh đạo các đơn vị trực thuộc trao đổi trên tinh thần hết sức thẳng thắn, khách quan và dân chủ, đảm bảo đổi mới, kỷ luật, kỷ cương, đoàn kết, sáng tạo. Đây cũng là dịp để nhìn lại công tác chỉ đạo điều hành, công tác cải cách hành chính, công tác xây dựng văn bản pháp luật, việc ứng dụng công nghệ thông tin… nhất là các công việc, lĩnh vực có liên quan trực tiếp đến người dân, tổ chức và doanh nghiệp.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị ngày 14/7

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Hà yêu cầu: Các đại biểu tham dự hội nghị cần tập trung trao đổi, thảo luận, đối thoại nhằm đưa ra những giải pháp để hoàn thành tốt những nhiệm vụ, chương trình được giao từ nay đến cuối năm 2017, đạt được mục tiêu mà Chính phủ giao và toàn ngành, đảm bảo xây dựng Bộ “Kiến tạo, đổi mới, kỷ luật, kỷ cương, đoàn kết, sáng tạo và phát triển”.

Hội nghị đã nghe và thảo luận thắng thắn, cởi mở về các báo cáo như: Công tác chỉ đạo, điều hành của Lãnh đạo Bộ, kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao của các đơn vị và kết quả kiểm tra của Tổ công tác 6 tháng đầu năm; Công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Công tác tổ chức cán bộ và cải cách hành chính của Bộ; Công tác kế hoạch, tài chính, đầu tư và giải ngân trong 6 tháng đầu năm; Công tác thanh tra, kiểm tra và giải quyết khiếu nại tố cáo; tình hình phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin và cung cấp dịch vụ công trực tuyến của Bộ…

Trước mỗi nội dung, vấn đề, tồn tại cần khắc phục của các lĩnh vực Bộ trưởng Trần Hồng Hà và các Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực đã phân tích, chỉ ra những hạn chế đồng thời gợi mở những tư duy, phương pháp, cách làm một cách khoa học nhất để các đơn vị và toàn ngành hoàn thành nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2017.

Toàn cảnh Hội nghị

Phát biểu kết luận hội nghị, thay mặt Ban cán sự Đảng và lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đánh giá: Trong 6 tháng vừa qua, toàn ngành đã có nhiều cố gắng, các đơn vị đã từng bước hoàn thiện nề nếp, phương pháp chỉ đạo điều hành, tư duy đổi mới. “Chính phủ cũng đặt ra những yêu cầu hết sức cao. Một Chính phủ liêm chính, kiến tạo, sáng tạo, đoàn kết và vì dân… thì Bộ Tài nguyên và Môi trường chúng ta cũng phải chuyển biến và thực hiện tinh thần này” - Bộ trưởng nói.

Theo Bộ trưởng, qua các báo cáo, qua thảo luận, trao đổi thảo luận hôm nay cho thấy, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có những chuyển biển tích cực trên tất cả các mặt và ngày càng đồng bộ và hoàn thiện.

Nhấn mạnh về tầm quan trọng của công tác xây dựng văn bản pháp luật, công tác cải cách thủ tục hành chính, công tác tổ chức, công tác thanh tra, công tác ứng dụng thông tin…Bộ trưởng cho rằng đây là những vấn đề quan trọng cơ bản và ưu tiên hàng đầu đối với bất cứ cơ quan quản lý nhà nước nào. “Những công việc này vừa đảm bảo nâng cao tính chuyên nghiệp hóa, hiện đại hóa và làm vững mạnh cho ngành Tài nguyên và Môi trường  đồng thời vừa cung cấp được các dịch vụ cho xã hội, doanh nghiệp và người dân tốt hơn. Như vậy tổ chức, người dân và doanh nghiệp sẽ có đánh giá khách quan việc cung cấp dịch vụ của chúng ta tốt chưa… Đó là nhiệm vụ hết sức quan trọng đòi hỏi mỗi đơn vị cá nhân trong ngành phải có chuyển biến kịp thời” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà lưu ý.

Để làm được những điều này, Bộ trưởng cho rằng, toàn ngành phải đi đúng hướng, đúng mục tiêu đã đề ra. Kỷ luật kỷ cương phải đặt lên hàng đầu. Công tác chỉ đạo điều hành phải có tính hệ thống và khoa học… Bộ trưởng đề nghị ngay sau cuộc họp sơ kết hôm nay, các đơn vị cần tiếp tục phát huy về lượng hóa các công việc, chỉ số sáng tạo, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. đồng thời xem xét lại những ý kiến góp ý với mình … trên cơ sở đó, mỗi đơn vị, cá nhân phải tự xem xét, thiết lập hệ thống để tự đánh giá công việc của mình, khắc phục những tồn tại để cùng phát triển.

“Một đơn vị chậm là kéo theo các đơn vị khác sẽ chậm, một lĩnh vực chậm là kéo theo các lĩnh vực khác cũng chậm và nếu chúng ta có một vấn đề gì đó chậm chạp lúng túng thì sẽ dẫn đến cả hệ thống chậm chạp lúng túng. Cho đến hôm nay chúng ta chỉ còn hơn 5 tháng, vì vậy tôi kêu gọi mỗi tập thể, cán bộ, viên chức của toàn ngành không ngừng đổi mới, cố gắng hơn nữa, sáng tạo hơn nữa để góp phần cùng toàn ngành hoàn thành nhiệm vụ năm 2017…” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.  

Ngay sau Hội nghị sơ kết, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã thay mặt Ban Cán sự Đảng và lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường trao Biểu trưng ghi nhận những đóng góp của nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Chu Phạm Ngọc Hiển nhân dịp ông về nghỉ chế độ hưu trí kể từ ngày 01/6/2017. 

Những nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2017

1 - Trình Quốc hội dự án Luật Đo đạc và bản đồ; quy hoạch, kế hoạch sử dụng biển; tiếp tục hoàn thiện việc đánh giá tình hình thi hành để đề xuất sửa đổi Luật Đất đai năm 2013, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014; trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung các nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Bảo vệ môi trường; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 08 Quyết định; ban hành theo thẩm quyền 70 Thông tư .

2 - Rà soát điều chỉnh và triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra của Bộ theo chỉ đạo tại Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Xác định nội dung, đối tượng thanh tra, kiểm tra để hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch thanh tra năm 2018 nhằm đảm bảo sự thống nhất, tránh chồng chéo giữa Trung ương và địa phương. Thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo không để hình thành các điểm nóng, phức tạp, khiếu kiện vượt cấp; đặc biệt là các vụ việc Thủ tướng Chính phủ giao, các vụ việc tồn đọng kéo dài.

3 - Triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu TN&MT phục vụ công tác quản lý. Rà soát, điều chỉnh các chương trình điều tra cơ bản, định kỳ để điều chỉnh vốn đầu tư. Triển khai nghiêm túc các Quy chế về công tác KH-TC; nâng cao chất lượng thẩm định, phê duyệt và triển khai thực hiện các dự án, nhiệm vụ chuyên môn đúng mục tiêu, nội dung và tiến độ đã được phê duyệt; tăng cường công tác kiểm tra tình hình thực hiện các dự án, nhiệm vụ chuyên môn nhằm đảm bảo các mục tiêu đã đề ra nâng cao hiệu quả của nguồn NSNN. Rà soát các nhiệm vụ thực hiện để điều chỉnh dự toán, trong đó tập trung ưu tiên cho các nhiệm vụ cấp bách, nhiệm vụ trọng điểm phải hoàn thành trong năm 2017, không để tình trạng hủy dự toán; xây dựng dự toán thu, chi ngân sách năm 2018 đảm bảo chất lượng theo đúng quy định, phù hợp với khả năng đáp ứng của NSNN.

4. Đối với lĩnh vực quản lý đất đai: Phối hợp với Văn phòng Chính phủ để Thủ tướng sớm phê duyệt các đề án về tích tụ đất đai; thí điểm thế chấp tài sản gắn với quyền sử dụng đất tại ngân hàng ở nước ngoài; đo đạc, lập hồ sơ địa chính, giao đất, cho thuê đất, cấp GCN đối với các nông, lâm trường... Hoàn thành trình Chính phủ phê duyệt điều chỉnh QHSDĐ cấp tỉnh trong Quý III, đôn đốc các địa phương hoàn thành thẩm định và phê duyệt điều chỉnh QHSDĐ đến năm 2020 và KHSDĐ 2016-2020 cấp huyện…

5. Đối với lĩnh vực tài nguyên nước: Theo dõi chặt chẽ việc thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa trong mùa lũ; rà soát trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh các quy trình vận hành liên hồ chứa nhằm đáp ứng yêu cầu về phòng, chống, giảm lũ, cấp nước mùa cạn và phát điện. Tăng cường giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước. Quản lý chặt chẽ các hoạt động bảo vệ lòng, bờ, bãi sông. Triển khai quy hoạch tài nguyên nước của cả nước và một số lưu vực sông liên tỉnh như sông Cửu Long, sông Hồng, Sê San, Srepok...

6. Đối với lĩnh vực địa chất và khoáng sản: Tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 03/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Khẩn trương xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định số 158/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật khoáng sản, trong đó có văn bản quy định quản lý cát, sỏi lòng sông, bảo vệ lòng, bờ, bãi sông. Hoàn thành trong năm 2017 việc tổng kết 05 năm thực hiện Luật Khoáng sản theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; đánh giá tình hình thực hiện Nghị định số 203/2013/NĐ-CP quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; tổng kết việc thực hiện Chiến lược khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030...

7. Đối với lĩnh vực môi trường: khẩn trương hoàn thành các sản phẩm theo Chỉ thị số 25/CT-TTg của TTgCP, cụ thể: ban hành sửa đổi các quy chuẩn kỹ thuật về môi trường; trình TTgCP ban hành Bộ chỉ số đánh giá xếp hạng kết quả BVMT các tỉnh, thành phố; Danh mục các cơ sở, dự án có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường cần giám sát đặc biệt và thường xuyên; tiêu chí về môi trường làm cơ sở lựa chọn, sàng lọc loại hình sản xuất và công nghệ sản xuất trong thu hút, phê duyệt các dự án đầu tư. Ban hành quy trình nội bộ trong thẩm định, phê duyệt và hậu kiểm đánh giá tác động môi trường...

 

8. Đối với lĩnh vực khí tượng thuỷ văn: Tập trung kiện toàn Tổng cục để đi vào hoạt động. Nâng cao năng lực, chất lượng dự báo, cảnh báo nhất là dự báo xa; dự báo, cảnh báo đầy đủ, chính xác phục vụ công tác chỉ đạo phòng tránh thiên tai. Dự báo diễn biến dòng chảy, thủy văn để chỉ đạo vận hành an toàn hồ chứa thủy lợi, thủy điện, hồ đập, đê điều. Huy động nguồn lực thực hiện Chiến lược phát triển ngành KTTV đến năm 2020, Quy hoạch tổng thể mạng lưới quan trắc TN&MT quốc gia giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn 2030. Xã hội hóa các hoạt động KTTV phục vụ phát triển KT-XH. Triển khai các đề án hiện đại hóa trong lĩnh vực KTTV.

9. Đối với lĩnh vực đo đạc, bản đồ và thông tin địa lý: Điều chỉnh, bổ sung Chiến lược phát triển ngành ĐĐ&BĐ đến năm 2030, định hướng phát triển đến năm 2035; xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia (NSDI) phục vụ Chính phủ điện tử, quản lý lãnh thổ, biên giới quốc gia, phát triển KT-XH, phòng chống thiên tai và BVMT. Hoàn thiện và hiện đại hóa mạng lưới tọa độ, độ cao, độ sâu, trọng lực quốc gia...

10. Đối với lĩnh vực biển và hải đảo: Tập trung triển khai Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 BCH Trung ương Đảng khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020. Trình ban hành Quy chế phối hợp trong cấp phép cho tàu nước ngoài thực hiện khảo sát nghiên cứu khoa học tại vùng biển ViệtNam; rà soát lại các hoạt động phối hợp nghiên cứu khoa học tại các vùng biển đang triển khai...

11. Đối với lĩnh vực viễn thám: Tổ chức giám sát thường xuyên diễn biến về TN&MT biển, đảo, BĐKH, hoạt động khai thác tài nguyên nước ngoài biên giới bằng công nghệ viễn thám. Hoàn thiện quy trình giám sát, giám sát nhanh bằng viễn thám; thực hiện việc giám sát các biến động khu vực biên giới quốc gia, các đảo xa bờ, các khu vực ô nhiễm, biến động nguồn nước.

12. Đối với lĩnh vực công nghệ thông tin: Xây dựng các thông tư quy định, hướng dẫn thực hiện Nghị định 73/2017/NĐ-CP ngày 14/6/2017 của Chính phủ về thu thập, quản lý, khai thác và sử dụng thông tin, dữ liệu TN&MT và các văn bản cá biệt về quy định, quy chế vận hành, sử dụng ứng dụng CNTT phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Lãnh đạo Bộ, quản lý nhà nước và chuyên môn nghiệp vụ. Tiếp tục hướng dẫn các đơn vị triển khai chương trình hành động của Bộ thực hiện Nghị quyết 36a/NQ-CP về Chính phủ điện tử. Tiếp tục triển khai thực hiện dự án, nhiệm vụ để đảm bảo cung cấp Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4,đưa kết quả thực hiện lên Cổng dịch vụ công quốc gia theo lộ trình cung cấp Dịch vụ công đã được Chính phủ và Bộ phê duyệt.

Nguồn (http://monre.gov.vn)

 

 

Ý kiến

Kinh tế số Việt Nam tăng nhanh nhất ASEAN 2 năm liên tiếp

Kinh tế số Việt Nam tăng nhanh nhất ASEAN 2 năm liên tiếp

Sáng 19/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã chủ trì hội nghị Thường trực Chính phủ về chuyển đổi số.
Giải bài toán rác thải điện tử tác động tiêu cực đến môi trường như thế nào?

Giải bài toán rác thải điện tử tác động tiêu cực đến môi trường như thế nào?

Rác thải điện tử đang ngày càng phổ biến, song hành cùng với tốc độ phát triển của khoa học công nghệ. Ngày nay, sở hữu một chiếc điện thoại, tivi, máy tính… là điều khá dễ dàng. Giá trị của các thiết bị điện tử cũng ngày càng giảm. Thay vì tìm cách sửa chữa những thiết bị điện tử hư hỏng như trước kia, giờ người ta sẵn sàng vứt bỏ để mua mới. Điều này khiến cho lượng rác thải điện tử ngày càng lớn.
Giảm phát sinh khí thải nhà kính trong lĩnh vực xử lý chất thải tại tỉnh Bình Dương

Giảm phát sinh khí thải nhà kính trong lĩnh vực xử lý chất thải tại tỉnh Bình Dương

UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành công văn số 964/UBND-KT ngày 06/3/2024 về việc triển khai các nhiệm vụ nhằm giảm phát sinh khí thải nhà kính đối với lĩnh vực xử lý chất thải trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.