Công tác quản lý mật mã dân sự (MMDS) được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Ban Cơ yếu Chính phủ, với mục tiêu nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về MMDS được đặt lên hàng đầu, trong đó Ban đã tiến hành các giải pháp đồng bộ và hiệu quả như tiếp tục triển khai thực hiện quản lý nhà nước về MMDS theo quy định của Luật An toàn thông tin mạng năm 2015 và triển khai các Nghị định của Chính phủ.
Tọa đàm trực tuyến "Sẽ có nhiều thay đổi trong công tác quản lý nhà nước về MMDS?"
Phóng viên: Quy định chi tiết về việc đánh giá sự phù hợp của sản phẩm MMDS, liệu Dự thảo Nghị định mới có nội dung này không thưa ông, khi mà Nghị định 58 đã chưa đề cập tới?
Ông Hồ Văn Hương: So với các quy định của Nghị định số 58 hiện hành, Dự thảo đưa ra các quy định mới nhằm triển khai thực hiện công tác quản lý chất lượng, đánh giá sự phù hợp đối với sản phẩm MMDS, cụ thể:
Trách nhiệm của Ban Cơ yếu Chính phủ giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện quản lý hoạt động đánh giá sự phù hợp sản phẩm MMDS; Điều kiện, trình tự, thủ tục đăng ký hoạt động đánh giá sự phù hợp, chỉ định tổ chức đánh giá sự phù hợp và công bố hợp quy sản phẩm MMDS và thừa nhận kết quả đánh giá sự phù hợp sản phẩm MMDS. Hiện nay, điều kiện, trình tự, thủ tục đăng ký kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp, chỉ định tổ chức đánh giá sự phù hợp và công bố hợp quy đối với các sản phẩm, hàng hóa được quy định chi tiết tại Nghị định 107 ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp; Nghị định số 154 ngày 09/11/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Khoa học và Công nghệ và một số quy định về kiểm tra chuyên ngành; Nghị định 132 ngày 31/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Nghị định 74 ngày 15/5/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 132.
Tuy nhiên, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Luật Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đang trong chương trình sửa đổi, bổ sung của Quốc hội (dự kiến thông qua cuối năm 2024). Do đó, để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ và ổn định của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tại Nghị định này quy định “Điều kiện, trình tự, thủ tục đăng ký hoạt động đánh giá sự phù hợp; chỉ định tổ chức đánh giá sự phù hợp và công bố hợp quy sản phẩm MMDS thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành về điều kiện, trình tự, thủ tục đăng ký kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp, chỉ định tổ chức đánh giá sự phù hợp và công bố hợp quy đối với các sản phẩm, hàng hóa”.
Hoạt động thừa nhận kết quả đánh giá sự phù hợp sản phẩm MMDS được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và trong trường hợp cần thiết, để phục vụ quản lý nhà nước về MMDS, Ban Cơ yếu Chính phủ giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng xem xét, quyết định chấp nhận kết quả đánh giá sự phù hợp sản phẩm MMDS của tổ chức đánh giá sự phù hợp nước ngoài có đủ năng lực.
Phóng viên: Qua những thông tin ông vừa chia sẻ, có thể thấy chắc chắn sẽ có nhiều thay đổi trong dự thảo nghị định thay thế Nghị định 58. Một vấn đề nữa, cũng được độc giả rất quan tâm và gửi câu hỏi đến chương trình, đặc biệt là các tổ chức, doanh nghiệp, đó là những quy định về xử phạt hành chính trong Dự thảo nghị định có gì đổi mới so với Nghị định 58 hiện hành?
Ông Hồ Văn Hương: Dự thảo dành 01 chương để quy định về xử phạt vi phạm hành chính gồm các nội dung về hành vi vi phạm hành chính, đối tượng bị xử phạt, thời hiệu xử phạt, mức phạt tiền tối đa và thẩm quyền xử phạt đối với tổ chức, cá nhân, các hình thức xử phạt, các biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực MMDS; Quy định chi tiết về xử lý vi phạm đối với các quy định về kinh doanh sản phẩm, dịch vụ MMDS, về thẩm quyền xử phạt của Thanh tra viên cơ yếu, Chánh thanh tra cơ yếu thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành, Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh, công an nhân dân, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, hải quan, quản lý thị trường và quy định về thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực MMDS.
So với các quy định của Nghị định số 58 hiện hành, Chương này bổ sung một điều quy định chung về xử phạt vi phạm hành chính nhằm làm rõ phạm vi, đối tượng xử phạt; quy định mức xử phạt, thẩm quyền xử phạt đồng bộ và phù hợp với quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020.
TS. Hồ Văn Hương, Cục trưởng Cục Quản lý mật mã dân sự và Kiểm định sản phẩm mật mã, Ban Cơ yếu Chính phủ.
Phóng viên: Đây quả là nhiều thông tin hữu ích, mà các tổ chức, doanh nghiệp cần lưu tâm. Xin ông Hương chia sẻ thêm về tiến độ xây dựng Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 58 để quý độc giả nắm được?
Ông Hồ Văn Hương: Dự thảo Nghị định được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chỉ đạo xây dựng căn cứ vào các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) như sau:
Ngày 21/11/2023, Bộ Quốc phòng đã ban hành Báo cáo số 4540 về việc Tổng kết thi hành Nghị định số 58.
Ngày 18/01/2024, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 394 thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang về việc tổng kết thi hành Nghị định số 58; trong đó giáo Bộ Quốc phòng chủ trì xây dựng Nghị định.
Ngày 22/01/2024, đồng chí Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Tổng tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ trưởng Bộ Quốc phòng về xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 58. Trong đó, Ban Cơ yếu Chính phủ được Bộ Quốc phòng giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật an toàn thông tin mạng về MMDS.
Ngày 07/02/2024, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có Quyết định số 569 ban hành Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật 2024 của Bộ Quốc phòng và Quyết định số 1097/QĐ-BQP ngày 22/3/2024 của Bộ Quốc phòng về việc thành lập Ban soạn thảo Nghị định.
Ngày 04/4/2024, Ban Cơ yếu Chính phủ có Quyết định số 11 ban hành Kế hoạch và thành lập Tổ biên tập xây dựng Nghị định. Cục QLMMDS&KĐSPMM/BCYCP được giao là cơ quan thường trực soạn thảo Nghị định.
Đến nay, Ban Cơ yếu Chính phủ đã tiến hành rà soát văn bản quy phạm pháp luật, nghiên cứu thông tin, tư liệu liên quan, xây dựng dự thảo; tổ chức hội thảo; xin ý kiến các cơ quan, đơn vị thuộc Ban, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, các tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp liên quan và đăng tải lên Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Bộ Quốc phòng để lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Dự kiến trong thời gian tới, sau khi tiếp thu ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nêu trên, Dự thảo Nghị định sẽ được gửi xin ý kiến các Bộ, ngành, địa phương liên quan và gửi Bộ Tư pháp thẩm định trước khi trình Chính phủ vào tháng 12/2024.
Phóng viên: Với một hành trình dài trong việc xây dựng Nghị định, Cục Quản lý mật mã dân sự và kiểm định sản phẩm mật mã (QLMMDS&KDSPMM) có gặp những khó khăn, vướng mắc như thế nào? Ông Hương có thể chia sẻ thêm về vấn đề này không?
Ông Hồ Văn Hương: Trong quá trình xây dựng Nghị định, Cục QLMMDS&KDSPMM nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Ban Cơ yếu Chính phủ, nhận được sư phối hợp nhiệt tình của các cơ quan, đơn vị thuộc Ban, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, các bộ, ngành. Bên cạnh đó, Nghị định nhận được sự quan tâm của đông đảo cộng đồng doanh nghiệp có liên quan.
Chúng tôi tin rằng với sự chỉ đạo sâu sát của Ban Thường vụ, Đảng uỷ, lãnh đạo Ban Cơ yếu Chính phủ cùng với sự nỗ lực của Cục và sự quan tâm phối hợp nhiệt tình của các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan, Nghị định sẽ được xây dựng và hoàn thiện đúng với mục tiêu, tiến độ đề ra.
Phóng viên: Một câu hỏi cuối trước khi kết thúc buổi tọa đàm ngày hôm nay. Ông Hương có thể đưa ra dự báo về những tác động khi Nghị định thay thế Nghị định 58 được ban hành về phía cơ quản quản lý nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức, người dùng.
Ông Hồ Văn Hương:
Nghị định dự báo có tác động với cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức và người dùng như:
Về việc sửa đổi, bổ sung quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực MMDS
Việc sửa đổi theo hướng tăng khung phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm hành chính đến 100.000.000 đồng đối với cá nhân và 200.000.000 đồng đối với tổ chức); bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ; sửa đổi mức phạt tiền tối đa đối với một số chức danh có thẩm quyền; bổ sung một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực MMDS chưa được quy định tại Nghị định số 58.
Việc sửa đổi, bổ sung các quy định trên không làm phát sinh chi phí cho người dân và doanh nghiệp; tuy nhiên, khi vi phạm quy định kinh doanh sản phẩm, dịch vụ MMDS, xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm MMDS thì các doanh nghiệp, cá nhân vi phạm phải nộp tiền phạt cao hơn so với Nghị định số 58.
Về việc bổ sung quy định về đánh giá sự phù hợp sản phẩm MMDS
Việc bổ sung quy định về đánh giá sự phù hợp sản phẩm MMDS nhằm tổ chức triển khai hiệu quả quy định của pháp luật về quản lý chất lượng sản phẩm, dịch vụ MMDS được quy định tại Luật An toàn thông tin mạng. Người dân được sử dụng sản phẩm có chất lượng tốt, đảm bảo an toàn; Doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm MMDS có chất lượng tốt, đảm bảo an toàn sẽ được hưởng lợi so với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm MMDS có chất lượng thấp. Tuy nhiên các quy định này sẽ làm phát sinh thủ tục hành chính trong việc thực hiện chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy và công bố hợp quy đối với các sản phẩm MMDS.
Về việc ban hành Danh mục sản phẩm, dịch vụ MMDS; quy định chi tiết về trình tự, thủ tục cấp phép
Việc ban hành danh mục sản phẩm, dịch vụ MMDS, danh mục sản phẩm MMDS xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép, quy định giảm thời hạn giải quyết thủ tục cấp phép; quy định rõ số lượng hồ sơ (01 bộ); sửa đổi, bổ sung các biểu mẫu theo hướng phân cấp giải quyết TTHC từ Ban Cơ yếu Chính phủ cho Cục QLMMDS&KĐSPMM... mang lại những tác động tích cực: Dễ quản lý, phân loại, hệ thống hóa sản phẩm MMDS thuộc danh mục; Doanh nghiệp dễ dàng thực hiện hồ sơ cấp phép; Phù hợp với mục tiêu cải cách hành chính; đồng bộ với các văn bản về phân cấp, cắt giảm; Nhà nước, doanh nghiệp và người dân cắt giảm chi phí về thời gian và nhân lực để thực hiện thủ tục hành chính về cấp giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ MMDS, giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm MMDS.