Công tác điều tra cơ bản là một nhiệm vụ trọng tâm trong ngành TNMT. Tuy nhiên, hiện nay công tác này vẫn được tiến hành thủ công bằng phương pháp thu thập và ghi chép tay (bút chì, sổ nhật ký…). Thu thập thủ công thường tốn công sức, vất vả, thậm chí một số thông tin đo đạc yêu cầu tính toán thô ngay tại thực địa dễ gây nhầm lẫn sai sót. Công tác thu thập tiến hành thủ công trong khi hầu hết khâu xử lý và sử dụng dữ liệu lại trên môi trường máy tính dẫn đến tăng thời gian, chậm tiến độ công việc, hơn nữa nguy cơ xảy ra sai sót trong quá trình nhập dữ liệu cũng tăng lên.
Căn cứ hiện trạng nguồn lực, hạ tầng công nghệ thông tin, hiện trạng dữ liệu và các ứng dụng công nghệ thông tin được áp dụng cho công tác điều tra cơ bản trong ngành TNMT, dễ nhận thấy nhu cầu ứng dụng CNTT trong công tác điều tra cơ bản hiện nay là nhu cầu bức thiết và được các cấp hết sức quan tâm, nhằm đáp ứng nhu cầu quản lý nhà nước và chia sẻ, khai thác có hiệu quả các số liệu điều tra cơ bản.
- Cần tăng cường các biện pháp lưu trữ bằng các phương tiện hiện đại, dần từng bước hạn chế việc lưu trữ bằng chất liệu giấy, nhằm giảm bớt sự cồng kềnh trong các kho lưu trữ của Ngành.
- Ứng dụng CNTT trong công tác lưu trữ tạo được một cơ sở dữ liệu thống nhất và hệ thống quản lý chặt chẽ đối với tài liệu, phục vụ việc tra cứu thông tin nhanh và hiệu quả nhất nhằm nâng cao năng lực quản lý, đáp ứng nhu cầu khai thác sử dụng tài liệu lưu trữ, góp phần xây dựng một nền hành chính hiện đại.
- Nhu cầu tạo lập cơ sở dữ liệu toàn bộ dữ liệu điều tra cơ bản trong ngành TNMT, hoặc ít nhất là toàn bộ dữ liệu điều tra cơ bản trong một lĩnh vực từ khi thành lập Bộ cho đến nay.
I. Thực trạng công tác điều tra cơ bản và tình hình ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác điều tra cơ bản ngành TNMT
1. Thực trạng
Công tác điều tra cơ bản trong ngành TNMT được thực hiện theo đúng quy định của các văn bản pháp quy hiện hành.
Các nghiệp vụ điều tra cơ bản được triển khai theo quy trình khá hợp lý thống nhất trong từng lĩnh vực, phù hợp với quy trình chung về điều tra cơ bản trong ngành TNMT.
2. Hạn chế
- Việc thu thập số liệu tại hiện trường, thực địa còn thủ công chủ yếu là ghi chép vào mẫu phiếu hoặc sổ nhật ký;
- Số liệu điều tra cơ bản được cập nhật chậm trễ gây ảnh hưởng đến công tác quản lý;
- Các quá trình phân tích, đánh giá, tổng hợp số liệu còn thực hiện thủ công, chưa có sự hỗ trợ nhiều của các hệ thống phần mềm chuyên dụng gây mất thời gian, giảm độ chính xác của dữ liệu;
- Dữ liệu về điều tra cơ bản chưa được lưu trữ tập trung, còn khó khăn trong công tác khai thác, tái sử dụng, tra cứu các dữ liệu cũ;
- Vấn đề bảo mật, an toàn thông tin không được đảm bảo.
3. Kết luận
Những vấn đề nêu trên cho thấy nhu cầu cấp thiết phải tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác điều tra cơ bản trong ngành TNMT, xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung đảm bảo an toàn, an ninh dữ liệu. Trong khuôn khổ đề tài, nhóm thực hiện sẽ đề xuất một số giải pháp khắc phục những hạn chế trong công tác điều tra cơ bản và nghiên cứu xây dựng hệ thống phần mềm hỗ trợ công tác điều tra cơ bản trong ngành TNMT trên các thiết bị cầm tay thông minh (SmartDevices).
Xác lập cơ sở khoa học xây dựng hệ thống phần mềm hỗ trợ công tác điều tra cơ bản, thu thập và cập nhật số liệu trong ngành TNMT trên các thiết bị cầm tay thông minh.
II. Nghiên cứu xây dựng hệ thống phần mềm hỗ trợ công tác điều tra cơ bản trong ngành tài nguyên và môi trường trên các thiết bị cầm tay thông minh Smart Devices
1. Cách tiếp cận
Sử dụng hướng tiếp cận từ trên xuống, nghiên cứu một cách tổng quan trước, sau đó sẽ tiến hành tiếp cận cụ thể từng vấn đề chi tiết của đề tài. Cụ thể các vấn đề sẽ nghiên cứu như sau:
- Nghiên cứu mô hình, quy trình hoạt động của các hệ thống thu thập dữ liệu đã được xây dựng ở trong nước và nước ngoài, từ đó rút ra được những kinh nghiệm để áp dụng vào yêu cầu thực tiễn của đề tài.
- Nghiên cứu các báo cáo khoa học, các đề tài nghiên cứu khoa học trong nước có liên quan đến lĩnh vực nghiên cứu của đề tài.
- Nghiên cứu hiện trạng và nhu cầu ứng dụng CNTT trong công tác thu thập số liệu điều tra cơ bản trong toàn ngành Tài nguyên và Môi trường bao gồm: các văn bản pháp luật nhà nước quy định, hiện trạng dữ liệu, tỷ lệ số hóa dữ liệu, các quy trình nghiệp vụ,...
- Nghiên cứu và đánh giá các phần mềm đang được sử dụng để hỗ trợ công tác thu thập, quản lý và khai thác số liệu điều tra cơ bản của lĩnh vực Môi trường và Tài nguyên Nước. Nêu được ưu nhược điểm của từng phần mềm để làm nổi bật tính cần thiết của đề tài.
- Nghiên cứu, phân tích và đánh giá các quy trình đã được áp dụng trong công tác thu thập số liệu điều tra cơ bản của lĩnh vực Môi trường và Tài nguyên Nước. Từ đó đề xuất các bước trong từng quy trình có thể áp dụng trên các thiết bị cầm tay thông minh.
- Nghiên cứu, phân tích và đưa ra giải pháp công nghệ xây dựng hệ thống hỗ trợ thu thập và tiếp nhận số liệu điều tra cơ bản ngoài thực địa trên các thiết bị cầm tay thông minh.
Triển khai thử nghiệm hệ thống trong lĩnh vực Môi trường và Tài nguyên Nước áp dụng cho từ 1 - 3 quy trình thu thập số liệu điều tra cơ bản để kiểm tra khả năng hỗ trợ của hệ thống trong công tác thu thập, quản lý và khai thác số liệu điều tra cơ bản. Từ đó đánh giá kết quả, rút ra các kết luận và các kiến nghị đề xuất.
2. Phương pháp nghiên cứu
Sử dụng phương pháp nghiên cứu truyền thống, đi từ khảo sát đánh giá hiện trạng, từ đó đánh giá, phân tích thiết kế, xây dựng các hệ thống ứng dụng (kế thừa các kết quả nghiên cứu đã có), và tiến hành triển khai thử nghiệm.
- Khảo sát hiện trạng.
- Phân tích đánh giá dựa trên cơ sở lý luận khoa học và tình hình thực tế.
- Tổ chức hội thảo, hội nghị xin ý kiến chuyên gia.
- Từ kết quả nghiên cứu, thiết lập phần mềm ứng dụng.
- Triển khai thử nghiệm.
3. Kết quả nghiên cứu
- Đánh giá các quy trình về công tác điều tra cơ bản trong ngành TNMT
- Đề xuất kiến nghị các bước tin học hóa trong các quy trình điều tra cơ bản, quy trình chung về công tác điều tra cơ bản trong ngành TNMT
- Đề xuất về giải pháp kỹ thuật và công nghệ phục vụ xây dựng cơ sở dữ liệu và phần mềm ứng dụng
- Giải pháp bảo mật an toàn dữ liệu
- Giải pháp lựa chọn công nghệ nền cho hệ thống
- Giải pháp xây dựng và phát triển hệ thống
4. Phát triển hệ thống phần mềm hỗ trợ công tác điều tra cơ bản trong ngành TNMT trên các thiết bị cầm tay thông minh.
Mô hình ứng dụng sẽ bao gồm:
- Cơ sở dữ liệu lưu trữ tại trung tâm, đối với các thiết bị cầm tay ở chế độ offline có thể lưu trữ dữ liệu đồng bộ dưới dạng SQLite, Json hoặc định dạng lưu trữ bất kỳ và thiết bị có hỗ trợ.
- Ứng dụng web based phục vụ cho các nghiệp vụ tạo lập dự án, tạo các bản đồ chuyền đề, tạo các tuyến điều tra, xây dựng biểu mẫu, lập kế hoạch và phân công lao động. Ngoài ra có thêm các chức năng quản lý thông tin địa phương, quản lý tư liệu, tài liệu và tài sản phục vụ dự án.
- Ứng dụng service based phục vụ xuất bản dữ liệu cho các thiết bị di động như bản đồ chuyên đề, thông tin dự án, biểu mẫu. Ngoài ra hỗ trợ các chức năng đồng bộ dữ liệu từ thiết bị lên trung tâm, và chức năng tra cứu thông tin dư án, tra cứu tư liệu, tài liệu, báo cáo tiến độ.
Ứng dụng trên thiết bị cầm tay thông minh: Cho phép người dùng nạp các thông tin dự án như bản đồ, hồ sơ dự án, biểu mẫu, tuyến đo đạc, chụp hình các đối tượng cần nghiệp cứu; tạo lập dữ liệu, đồng bộ dữ liệu thông qua internet kết nối wifi hoặc 2g, 3g, 4g; tra cứu thông tin trực tuyến… Ngoài ra thiết bị cầm tay cần được bổ sung các chức năng như báo cáo tiến độ hoặc cảnh báo, thông báo các hoạt động để đảm bảo hoàn thành công tác theo kế hoạch.
Nguồn Dinte