Khoa học, công nghệ là động lực thúc đẩy nền kinh tế. Hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ có ý nghĩa quyết định trong việc nâng cao sức cạnh tranh quốc gia, sức cạnh tranh của nền kinh tế, sức cạnh tranh của sản phẩm khi Việt Nam hội nhập quốc tế. Trong thời gian qua, hoạt động nghiên cứu khoa học trong ngành tài nguyên và môi trường đã có nhiều kết quả đáng ghi nhận, nhiều đề tài nghiên cứu được nghiệm thu và ứng dụng hiệu quả vào thực tiễn, tuy nhiên cũng vẫn còn một số đề tài đã nghiệm thu nhưng lại chưa phát huy được kết quả và ít được biết đến.
Để thúc đẩy hoạt động thông tin và khoa học, ngày 18 tháng 02 năm 2014 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 11/2014/NĐ-CP về hoạt động thông tin khoa học và công nghệ, trong đó nhấn mạnh nội dung hạ tầng thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về khoa học và công nghệ, thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin tăng cường hiệu quả trong các hoạt động khoa học và công nghệ. Căn cứ Nghị định số 11/2014/NĐ-CP, ngày 11 tháng 6 năm 2014, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư số 14/2014/TT-BKHCN về việc thu thập, đăng ký, lưu giữ và công bố thông tin về nhiệm vụ khoa học và công nghệ, thông tư này ra đời góp phần đưa hoạt động thông tin khoa học và công nghệ vào nề nếp và ổn định, đồng thời góp phần tin học hóa các hoạt động quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ các cấp. Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã ban hành Thông tư số 05/2015/TT- BTNMT ngày 24 tháng 2 năm 2015 về Quy chế quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong đó quy định việc quản lý và to chức thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Về ứng dụng công nghệ thông tin, Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ đang tiến hành xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về khoa học và công nghệ và tính đến thời điểm hiện tại đã cơ bản hoàn thành và đưa vào thử nghiệm. Theo mô hình kiến trúc, các bộ ngành và địa phương có trách nhiệm cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia về khoa học và công nghệ. Hiện tại, chưa có bộ ngành hay địa phương nào thực hiện việc tích hợp trực tuyến dữ liệu về hoạt động khoa học và công nghệ của mình vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về khoa học và công nghệ, mà việc thực hiện báo cáo thông tin về hoạt động khoa học và công nghệ giữa các cấp vẫn được thực hiện thông qua đường bưu chính, thư điện tử hoặc nộp trực tiếp. Phương thức truyền thống này nảy sinh một số hạn chế như: (i) Tốn nhiều thời gian và công sức để tổng hợp, báo cáo theo quy định, vì thông tin dữ liệu được lưu trữ phân tán, dưới nhiều định dạng khác nhau. Do vậy, khó có thể đáp ứng thông tin một cách kịp thời khi có yêu cầu; (ii) Trong quá trình tổng hợp dễ xảy ra sai xót về số liệu, bởi công tác tổng hợp được thực hiện bằng tay. (iii) Việc cập nhật dữ liệu phải thực hiện hai lần, một lần cập nhật dữ liệu để phục vụ quản lý tại Bộ Tài nguyên và Môi trường, một lần cập nhật dữ liệu phục vụ quản lý tại Bộ Khoa học và Công nghệ. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến sự sai lệch dữ liệu.
Ngoài ra, Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường hiện đang vận hành một cơ sở dữ liệu là kết quả của đề tài nghiên cứu cấp cơ sở “Xây dựng cơ sở dữ liệu và trang Web quản lý hoạt động khoa học và công nghệ”, tuy nhiên với phạm vi cấp cơ sở, đề tài mới dừng lại ở mức quản lý các thông tin cơ bản của đề tài khoa học và công nghệ trong phạm vi quản lý của Bộ. Chính vì vậy, để giải quyết những vấn đề nêu và để thực hiện tích hợp đầy đủ thông tin khoa học và công nghệ vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về khoa học và công nghệ theo quy định tại Nghị định số 11/2014/NĐ-CP và Thông tư số 14/2014/TT- BKHCN cần thiết phải nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu về thông tin khoa học và công nghệ, để phục vụ quản lý thống nhất thông tin khoa học và công nghệ, đồng thời thực hiện tích hợp thử nghiệm cơ sở dữ liệu này vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về khoa học và công nghệ đặt tại Bộ Khoa học và Công nghệ. Việc triển khai, thực hiện đề tài là một trong những hoạt động nhằm cụ thể hóa Chương trình phối hợp công tác giữa Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Tài nguyên và Môi trường về khoa học và công nghệ trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường giai đoạn 2015 - 2020.
Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên môi trường đã nghiên cứu, nhằm tích hợp cơ sở dữ liệu kết quả hoạt động, tiềm lực, thông tin khoa học và công nghệ ngành tài nguyên và môi trường vào cơ sở dữ liệu khoa học và công nghệ quốc gia.
Mục tiêu:
Thứ nhất, xây dựng được bộ CSDL về kết quả hoạt động, tiềm lực, thông tin khoa học và công nghệ ngành TN&MT.
Thứ hai, tích hợp cơ sở dữ liệu kết quả hoạt động, tiềm lực, thông tin khoa học và công nghệ ngành tài nguyên và môi trường vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về khoa học và công nghệ.
Thứ ba, tổ chức, hệ thống hóa cơ sở dữ liệu về quản lý kết quả, thông tin và tiềm lực KH&CN của Bộ Tài nguyên và Môi trường; chuyển đổi, cập nhật toàn bộ dữ liệu của các năm cho các đơn vị nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước trong hoạt động nghiên cứu KH&CN tại Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Cách tiếp cận
Nghiên cứu sử dụng hướng tiếp cận từ trên xuống, nghiên cứu một cách tổng quan trước, sau đó sẽ tiến hành tiếp cận cụ thể từng vấn đề chi tiết của đề tài. Cụ thể các vấn đề sẽ nghiên cứu như sau:
- Nghiên cứu đánh giá tổng quan về hiện trạng quản lý hoạt động khoa học và công nghệ tại Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường; Hiện trạng lưu trữ dữ liệu, tỉ lệ số hóa dữ liệu khi so sánh với dữ liệu giấy truyền thống; Các quy trình quản lý khoa học và công nghệ tại Vụ.
- Nghiên cứu đánh giá phân tích các quy trình nghiệp vụ về công tác quản lý khoa học và công nghệ đang áp dụng, các kiến nghị đề xuất thay đổi để đảm bảo ứng dụng công nghệ thông tin nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước; các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động thông tin khoa học và công nghệ.
- Nghiên cứu đánh giá tổng quan hiện trạng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khoa học và công nghệ tại Bộ Tài nguyên và Môi trường (Cơ sở hạ tầng trang thiết bị; hạ tầng mạng, các phần mềm đang được sử dụng để quản lý khoa học và công nghệ).
- Nghiên cứu, phân tích và đưa ra giải pháp xây dựng phần mềm khai thác kết quả hoạt động, tiềm lực, thông tin khoa học và công nghệ ngành tài nguyên và môi trường, tích hợp dữ liệu thông tin khoa học và công nghệ ngành tài nguyên môi trường vào cơ sở dữ liệu quốc gia về khoa học và công nghệ.
- Triển khai thử nghiệm tại Vụ Khoa học và Công nghệ và Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên môi trường để kiểm tra khả năng hỗ trợ của hệ thống trong công tác quản lý khoa học và công nghệ. Từ đó đánh giá kết quả, rút ra các kết luận và các kiến nghị đề xuất.
Phương pháp nghiên cứu
Nhóm nghiên cứu đề tài sử dụng phương pháp nghiên cứu truyền thống, đi từ khảo sát đánh giá hiện trạng, từ đó đánh giá, phân tích thiết kế, xây dựng hệ thống ứng dụng (kế thừa các kết quả nghiên cứu đã có), và tiến hành triển khai thử nghiệm.
- Khảo sát, tổng hợp, phân tích và đánh giá hiện trạng tiềm lực khoa học và công nghệ ngành tài nguyên và môi trường.
- Khảo sát về nhu cầu tích hợp dữ liệu KH&CN.
- Kế thừa các kết quả nghiên cứu liên quan đến đề tài, thực hiện nghiên cứu, đề xuất mô hình tích hợp dữ liệu.
- Tổ chức hội thảo, hội nghị xin ý kiến chuyên gia;
- Triển khai thử nghiệm các kết quả đã nghiên cứu.
Vật liệu nghiên cứu: (i) Các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý khoa học và công nghệ; (ii) Các quy trình nghiệp vụ trong công tác quản lý khoa học và công nghệ; (iii) Các hệ thống thông tin đang được ứng dụng trong công tác quản lý khoa học và công nghệ; (iv) Các tài liệu và công trình khoa học liên quan khác.
Kết quả nghiên cứu
1. Giải pháp kỹ thuật tích hợp CSDL quốc gia về KH&CN
a. Mô hình giao diện tích hợp dữ liệu
CSDL về kết quả hoạt động, tiềm lực, thông tin KH&CN ngành tài nguyên và môi trường được lưu trữ và quản lý bởi Cục CNTT và Dữ liệu TNMT. Để có thể chia sẻ nguồn dữ liệu này với CSDL quốc gia về KHCN được quản lý bởi Bộ Khoa học và Công nghệ thì vấn đề đặt ra là phải có sự tích hợp, kết nối giữa hai hệ thống, nhằm đảm bảo thông tin được trao đổi qua lại dễ dàng, thuận tiện, giúp làm giảm thiểu tối đa chi phí cập nhật dữ liệu cho cả hai bên.
b. Công nghệ tích hợp dữ liệu
Hệ thống CSDL quốc gia về khoa học và công nghệ do Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng trên nền tảng Microsoft Sharepoint, hệ quản trị CSDL MS SQL. Đây chính là thuận lợi lớn về mặt công nghệ khi tích hợp vì CSDL về kết quả hoạt động, tiềm lực, thông tin KH&CN ngành tài nguyên và môi trường được xây dựng trên nền tảng Microsoft DotNet, với hệ quản trị CSDL MS SQL 2014.
Công nghệ được lựa chọn để tích hợp dữ liệu là Web Services (WS). WS là một công nghệ cho phép client truy xuất để thực hiện mọi tác vụ như một Web Application. Về bản chất, WS dựa trên XML và HTTP, trong đó XML làm nhiệm vụ mã hóa và giải mã dữ liệu và dùng SOAP để truyền tải. WS không phụ thuộc vào nền tảng nào, do đó có thể dùng WS để truyền tải dữ liệu giữa các ứng dụng hay giữa các nền tảng.
c. Nội dung thông tin dữ liệu đồng bộ
Các cán bộ kỹ thuật thực hiện đề tài đã có các buổi làm việc với Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia để cùng thống nhất các thông tin dữ liệu cần tích hợp và các phương thức cần được cung cấp để thực hiện tích hợp.
d. Nguyên tắc chung trong tích hợp
Hoạt động tích hợp dữ liệu giữa hai CSDL nêu trên, cần phải tuân thủ theo những nguyên tắc sau:
- Tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng trong hoạt động tích hợp phải tuân thủ theo quy định tại Thông tư số 39/2017/TT-BTTTT ngày 15/12/2017 của Bộ Thông tin và Truyền thông về Ban hành Danh mục tiêu chuẩn kỹ thuật về ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước.
- Mô hình tích hợp dữ liệu phải tuân thủ theo Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, Kiến trúc chính phủ của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Kiến trúc Chính phủ điện tử của Bộ Khoa học và Công nghệ. Tuy nhiên, hiện tại do Nền tảng chia sẻ tích hợp dữ liệu Quốc gia (NGSP) và Nền tảng chia sẻ tích hợp dữ liệu của hai Bộ (LGSP) chưa được xây dựng, do vậy, trong phạm vi đề tài chưa thể thực hiện tích hợp theo đúng kiến trúc được xây dựng. Việc tích hợp tuân thủ theo kiến trúc sẽ được thực hiện khi hai nền tảng nêu trên đã sẵn sàng.
- Thông tin, dữ liệu tích hợp phải được đảm bảo an toàn, bảo mật trong quá trình tích hợp để duy trì tính chính xác và toàn vẹn của dữ liệu.
2. Giải pháp kỹ thuật phục vụ xậy dựng CSDL và phần mềm
a. Giải pháp bảo mật an toàn dữ liệu
- Giải pháp an ninh, bảo mật dữ liệu tại tầng CSDL
- Giải pháp an ninh, bảo mật dữ liệu từ tầng ứng dụng
- Giải pháp an ninh, bảo mật ứng dụng tại máy trạm
- Giải pháp an ninh hạ tầng phần cứng
b. Công nghệ phát triển phần mềm
- Công nghệ nền phát triển phần mềm
- Công nghệ nền cho quản trị cơ sở dữ liệu
3. Thiết kế và phát triển phần mềm
a. Tổng quan về phần mềm
Mục tiêu xây dựng: Thành lập cơ sở dữ liệu và phần mềm khai thác CSDL kết quả hoạt động, tiềm lực, thông tin khoa học và công nghệ ngành tài nguyên và môi trường nhằm hỗ trợ quản lý hoạt động KH&CN tại Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường. Phần mềm cung cấp các chức năng chính sau: quản lý, tra cứu các nhiệm vụ KH&CN; hỗ trợ đăng ký, cấp giấy chứng nhận kết quả nghiên cứu; theo dõi kết quả ứng dụng sau khi nhiệm vụ kết thúc; quản lý thông tin tiềm lực về KH&CN; thống kê báo cáo theo mẫu quy định; tích hợp dữ liệu sang CSDL quốc gia về KH&CN
Đối tượng sử dụng phần mềm: Các nhà nghiên cứu; Các bộ, chuyên viên quản lý KH&CN; Các cấp lãnh đạo; Tổ chức KH&CN; Các viện nghiên cứu, trường đại học; Tạp chí về KH&CN; Cổng thông tin điện tử của Bộ; Người dùng không đăng ký.
Các yêu cầu đối với phần mềm: Phần mềm khai thác CSDL kết quả hoạt động, tiềm lực, thông tin khoa học và công nghệ ngành tài nguyên và môi trường nhằm hỗ trợ quản lý hoạt động KH&CN tại Vụ Khoa học và Công nghệ phải đảm bảo các yếu tố sau: (i) Có khả năng tương tác, quan hệ với các hệ thống khác, nhưng vẫn đảm bảo tính độc lập, không phụ thuộc; (ii) Là hệ thống mở, đảm bảo tính linh hoạt trong phát trien, cập nhật, bảo trì; (iii) Cơ sở dữ liệu đảm bảo được quản lý mở theo chiều rộng và chiều sâu, dễ dàng thay đổ, bổ sung; (iv) Cung cấp khả năng đáp ứng cao yêu cầu quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ của Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng như các yêu cầu khai thác thông tin, dữ liệu của các đơn vị, cá nhân;
b. Quy trình phát triển phần mềm: Quy trình xây dựng phần mềm ứng dụng tuân thủ theo quy định tại Thông tư số 26/2014/TT-BTNMT ngày 28 tháng 5 năm 2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về Quy trình Định mức kinh tế kỹ thuật cơ sở dữ liệu tài nguyên môi trường
c. Xây dựng kiến trúc phần mềm
- Kiến trúc thông tin
- Mô hình nghiệp vụ
- Kiến trúc ứng dụng
- Kiến trúc công nghệ
- Kiến trúc an ninh bảo mật
d. Cácchức năng chính của hệ thống
- Quản lý thông tin nhiệm vụ KH&CN
- Quản lý thông tin đăng ký kết quả thực hiện nhiệm vụ quản lý KH&CN
- Quản lý hồ sơ đăng ký kết quả nhiệm vụ KH&CN
- Quản lý thông tin về ứng dụng kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN
- Quản lý tiềm lực KH&CN
- Tích hợp với CSDL quốc gia về KH&CN
4. Xây dựng cơ sở dữ liệu
a. Quy trình xây dựng cơ sở dữ liệu:
Cơ sở dữ liệu về kết quả hoạt động, tiềm lực, thông tin khoa học và công nghệ ngành tài nguyên và môi trường được xây dựng theo quy trình quy định tại Thông tư số 26/2014/TT-BTNMT ngày 28 tháng 5 năm 2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về Quy trình Định mức kinh tế kỹ thuật cơ sở dữ liệu tài nguyên môi trường.
b. Mô hình cơ sở dữ liệu
- Mô hình dữ liệu về quản lý nhiệm vụ KH&CN
- Mô hình dữ liệu về tiềm lực KH&CN
c. Phương pháp thực hiện cập nhật CSDL
Nhóm thực hiện đề tài tiến hành thu thập dữ liệu về KH&CN từ những năm 1983, cụ thể:
- Thu thập dữ liệu kỷ yếu về khoa học và công nghệ trong lĩnh vực đất đai các năm từ 1983 đến 2009.
- Thu thập dữ liệu kỷ yếu về khoa học và công nghệ trong lĩnh vực đất đai các năm từ 2010 đến 2015.
- Thu thập dữ liệu kỷ yếu về khoa học và công nghệ trong lĩnh vực đất đai, địa chất khoáng sản, đo đạc bản đồ, khí tượng thủy văn, môi trường các năm từ 2003 đến 2006.
- Thu thập dữ liệu kỷ yếu về khoa học và công nghệ thuộc Chương trình trọng điểm cấp Nhà nước “Khoa học và công nghệ phục vụ Chương trình mục tiêu Quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu”, mã số KHCN-BĐKH/11-15, các năm từ 2010 đến 2016.
- Thu thập dữ liệu các đề tài KH&CN mở mới của năm 2016.
- Thu thập dữ liệu các đề tài KH&CN từ năm 2006 đến năm 2010.
Việc nhập dữ liệu (nhập dữ liệu thuộc tính và quét tài liệu) theo mô hình dữ liệu thiết kế được tiến hành dưới hình thức chia nhóm thực hiện. Sau đó, các nhóm kiểm tra chéo, đối soát về tính đầy đủ và chính xác của khối lượng dữ liệu đã nhập theo phân công. Dữ liệu sau khi được nhập vào cơ sở dữ liệu được biên tập, chuẩn hóa thống nhất trước khi đưa vào khai thác, sử dụng.
Đối với dữ liệu đã nhập trong CSDL cũ, nhóm thực hiện đề tài đã xây dựng công cụ chuyển đổi dữ liệu để chuyển đổi toàn bộ dữ liệu từ CSDL cũ sang CSDL mới được xây dựng.
Hoạt động nghiên cứu đã đề xuất được mô hình, giải pháp và công nghệ về tích hợp dữ liệu KH&CN của Bộ TN&MT vào CSDL KH&CN quốc gia và đóng góp vào nguồn tài liệu tham khảo về tích hợp dữ liệu giữa hai cơ sở dữ liệu độc lập đặt tại hai bộ, ngành. Mô hình, công nghệ đề xuất đã được minh chứng tính đúng đắn trong thực tiễn thông qua hoạt động thử nghiệm tích hợp thành công của nhóm nghiên cứu. Kết quả nghiên cứu mang lại lợi ích đối với các bên liên quan như sau:
- Đối với Bộ Tài nguyên và Môi trường: đóng góp vào việc thúc đẩy ứng dụng CNTT trong quản lý nhà nước về KH&CN của ngành tài nguyên môi trường để nâng cao hiệu suất, hiệu quả trong hoạt động nghiên cứu KH&CN.
- Đối với Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên môi trường, Bộ TN&MT: Hoàn thành tốt chức năng đầu mối thông tin KH&CN của Bộ.
- Đối với Cục thông tin khoa học và công nghệ quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ: kịp thời cập nhật các thông tin KH&CN của ngành tài nguyên môi trường; sử dụng kết quả nghiên cứu như là hình mẫu để nhân rộng, triển khai cho các bộ, ngành, địa phương khác.
Nguồn Dinte