Sign In

Nâng cao hiệu quả nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ

07:37 15/06/2017

Chọn cỡ chữ A a

Sáng ngày 30/12, tại Hà Nội, Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2016 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2017. Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thị Phương Hoa đã tới dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Tham dự có đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ cùng toàn thể cán bộ công chức, viên chức, người lao động của Viện.

Báo cáo tổng kết năm 2016, ông Đào Ngọc Long, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ Việt Nam cho biết, trong năm qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn , nhưng toàn thể công chức, viên chức, người lao động của Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ đã đoàn kết, nỗ lực cố gắng, hoàn thành tốt kế hoạch, nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng trong công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc gia.

Năm 2016, Viện chủ trì thực hiện 13 đề tài khoa học công nghệ, dự án sản xuất thử nghiệm. Trong đó có 2 đề tài cấp Nhà nước, 6 đề tài, dự án sản xuất thử nghiệm cấp Bộ, 4 đề tài cấp cơ sở và 8 nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng. Kết quả của các đề tài đã góp phần quan trọng cho việc xây dựng và triển khai các dự án sự nghiệp do Bộ giao, phục vụ tích cực cho công tác quản lý của Ngành và của Bộ, đưa các công nghệ hiện đại vào hoạt động đo đạc - bản đồ và địa chính.

Song song với việc thực hiện nghiên cứu khoa học, Viện luôn đặt nhiệm vụ trọng tâm tập trung thực hiện các dự án, nhiệm vụ sự nghiệp kinh tế. Viện tăng cường phối hợp với Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam thực hiện các dự án: “Xây dựng mạng lưới Trắc địa địa động lực trên khu vực các đứt gẫy thuộc miền Bắc Việt Nam, miền Trung, Tây nguyên và Nam Bộ phục vụ công tác dự báo tai biến tự nhiên”; “Xây dựng mạng lưới điểm trọng lực tuyệt đối trên các đảo và ven bờ biển Việt Nam phục vụ công tác quan trắc độ dâng của mực nước biển trung bình”; “Khảo sát đo đạc, thành lập các loại bản đồ phục vụ xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý, bảo tồn và phát triển bền vững vùng đất ngập nước khu vực bán đảo Cà Mau”; “Xây dựng trạm quan trắc, giám sát lún nền đất”; …

Cùng với đó, Viện cũng tích cực triển khai công tác đào tạo cho những nghiên cứu sinh đã trúng tuyển, thực hiện tuyển sinh theo quy định; tăng cường, mở rộng hợp tác quốc tế; tổ chức các hội thảo chuyên đề về công nghệ dò công trình ngầm; phối hợp với các chuyên gia quốc tế của Bộ xây dựng khung đề án GIS quốc gia; liên hệ và trao đổi hợp tác về nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ và khai thác các thiết bị của Viện với các đối tác nước ngoài… Tạp chí Khoa học Đo đạc và Bản đồ của Viện đã biên tập và xuất bản 04 số; nội dung các bài viết đa dạng, phong phú, đáp ứng tốt nhu cầu của bạn đọc.

Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ và các đơn vị chức năng của Bộ đã thảo luận, đề xuất các nội dung nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nhằm nâng cao hiệu quả hơn nữa công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, thực hiện các dự án, nhiệm vụ chuyên môn của Viện trong thời gian tới.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa biểu dương, đánh giá cao những kết quả mà toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ đã đạt được trong năm 2016.

Trong năm 2017, Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa đề nghị Viện cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như:

Thứ nhất, tích cực phối hợp chặt chẽ với Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam trong tham mưu, nghiên cứu, góp ý nhằm hoàn thiện dự án Luật Đo đạc và Bản đồ - văn bản pháp lý cao là nền tảng cho sự phát triển của ngành đo đạc và bản đồ.

Thứ hai, tiếp tục nâng cao hoạt động nghiên cứu khoa học và phát huy hiệu quả các nghiên cứu khoa học công nghệ; thúc đẩy hợp tác quốc tế trong việc trao đổi kinh nghiệm nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ để thực hiện các dự án ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ, viễn thám vào thực tiễn. Thứ ba, chú trọng đào tạo nâng cao nguồn nhân lực; tiếp tục phát động các phong trào nghiên cứu, đào tạo và tự đào tạo; bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ trên cơ sở nền tảng đồng bộ của một Viện nghiên cứu đầu ngành về đo đạc và bản đồ.

Thứ tư, trong công tác tổ chức cán bộ, cần có quy hoạch bồi dưỡng, tăng cường công tác đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn cho những người có năng lực để bổ nhiệm vào các vị trí xứng đáng.

Phát biểu, tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng tại Hội nghị, Viện trưởng Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ Lê Anh Dũng khẳng định, trong năm tới Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ sẽ chú trọng tới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, có chế độ nhằm thu hút nguồn nhân lực giỏi về Viện; tăng cường công tác hợp tác quốc tế, đặc biệt trong việc trao đổi kinh nghiệm nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ để đảm bảo đủ năng lực để tham gia hội nhập với quốc tế.

Tại Hội nghị, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa đã trao tặng Cờ thi đua của Chính phủ cho Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ; trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho ông Bùi Nguyễn Hoàng, Chánh Văn phòng; bà Hoàng Thị Xuân, Kế toán trưởng; tặng Cờ thi đua của Bộ cho 02 tập thể; tặng Bằng khen của Bộ trưởng cho 03 tập thể và 08 cá nhân của Viện.

CTTĐT

Ý kiến

Thời đại 5.0: Những yếu tố lớn tác động đến cuộc sống

Thời đại 5.0: Những yếu tố lớn tác động đến cuộc sống

Thời đại 5.0 không chỉ là sự tiếp nối của thời đại công nghiệp 4.0, mà còn là bước nhảy vọt trong việc ứng dụng công nghệ vào cuộc sống, đưa con người vào tâm điểm của sự phát triển công nghệ.
Kiến trúc tham chiếu chuyên ngành đa dạng sinh học trong hệ thống thông tin lĩnh vực môi trường

Kiến trúc tham chiếu chuyên ngành đa dạng sinh học trong hệ thống thông tin lĩnh vực môi trường

Hệ thống thông tin (HTTT), Cơ sở dữ liệu (CSDL) môi trường được xây dựng và vận hành theo phân cấp quản lý từ quốc gia, bộ ngành và cấp tỉnh, bảo đảm tính thống nhất và có khả năng kết nối, chia sẻ, liên thông giữa các hệ thống, tuân thủ Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, phiên bản 3.0, hướng tới Chính phủ số.
Ứng dụng phần mềm Storm water management model (SWMM) để đề xuất các giải pháp thoát nước bền vững trung tâm Hải Phòng

Ứng dụng phần mềm Storm water management model (SWMM) để đề xuất các giải pháp thoát nước bền vững trung tâm Hải Phòng

Tình trạng ngập lụt đang xảy ra thường xuyên và đặt ra thách thức nghiêm trọng ở các đô thị Việt Nam. Để giải quyết bài toán này, nghiên cứu được thực hiện nhằm tìm ra giải pháp kỹ thuật thoát nước bền vững (SUDS), góp phần tăng cường hiệu quả công tác chống ngập, thí điểm cho khu vực trung tâm TP. Hải Phòng.
EMC Đã kết nối EMC