Sign In

Giả mạo website Bộ Thông tin và Truyền thông để lừa người dân cài ứng dụng chứa mã độc

11:55 02/05/2024

Chọn cỡ chữ A a

Khi truy cập vào trang web ‘vietgcv[.]cc’ giả mạo website Bộ Thông tin và Truyền thông, người dùng bị dụ cài ứng dụng có chứa mã độc. Ứng dụng này cho phép đối tượng lừa đảo chiếm quyền điều khiển điện thoại và đánh cắp thông tin, tài sản.

Phát hiện thêm 44 website giả mạo, lừa đảo trong 3 tuần

Trang web tại địa chỉ ‘vietgcv[.]cc’ giả mạo cổng thông tin Bộ Thông tin và Truyền thông là 1 trong 20 website lừa đảo vừa được Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia - NCSC thuộc Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) khuyến nghị người dân nâng cao cảnh giác, tránh truy cập và làm theo hướng dẫn của các đối tượng xấu.

Ngay trước đó, vào đầu tháng 4, Cục An toàn thông tin đã cảnh báo về trường hợp các đối tượng lừa đảo thiết lập trang web tại địa chỉ tên miền ‘policeonline[.]club’, giả mạo website của Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng để đăng ‘quảng cáo hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa đảo với tỷ lệ thành công 99,9%’, khiến cho nhiều người dân lại thêm một lần nữa bị lừa chiếm đoạt tài sản.

Theo thống kê, chỉ trong 3 tuần đầu tháng 4/2024, hệ thống canhbao.khonggianmang.vn của Cục An toàn thông tin đã tiếp nhận gần 630 phản ánh của người dùng về các trường hợp lừa đảo trực tuyến. Qua kiểm tra và phân tích, các chuyên gia của Cục An toàn thông tin nhận thấy có nhiều trường hợp lừa đảo giả mạo các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhà cung cấp, dịch vụ lớn như một số bộ ngành, các mạng xã hội, ngân hàng, thư điện tử, dịch vụ công...

Giả mạo website Bộ Thông tin và Truyền thông để lừa người dân cài ứng dụng chứa mã độc

Giao diện trang web giả mạo cổng thông tin của Bộ Thông tin và Truyền thông, được các đối tượng thiết lập nhằm lừa người dùng tải, cài đặt ứng dụng có chứa mã độc.

Từ phản ánh của người dùng và kết quả rà quét, giám sát không gian mạng Việt Nam, cũng trong gần một tháng gần đây, Cục An toàn thông tin đặc biệt lưu ý người dân nâng cao cảnh giác để không truy cập vào 44 website lừa đảo, giả mạo. Số website lừa đảo, giả mạo được cơ quan này cảnh báo người dùng trực tuyến trong tháng 3/2024 là hơn 100 trang.

Đáng chú ý, trong gần 2 tháng trở lại đây, các đối tượng lừa đảo tiếp tục tạo các trang web giả mạo dịch vụ công quốc gia với nhiều địa chỉ tên miền khác nhau và đều là tên miền quốc tế, cụ thể như: Dichvucong[.]cvgov[.]com; Dichvucong[.]xgovvn[.]net; Dichvucong[.]dulieuqucogia[.]com...

Như vậy, lũy kế đến hết ngày 21/4, cơ sở dữ liệu chống lừa đảo trực tuyến quốc gia đã cập nhật hơn 124.600 địa chỉ website giả mạo, liên quan đến lừa đảo trực tuyến. Cơ sở dữ liệu này hiện đã được kết nối trực tiếp với trình duyệt Cốc Cốc cùng hệ thống của Zalo, SafeGate để có thể tự động bảo vệ người dùng Internet trong nước trước các website lừa đảo trực tuyến.

Tính đến quý I/2024, hệ thống kỹ thuật của Bộ Thông tin và Truyền thông, trực tiếp là Cục An toàn thông tin cũng đã chủ động ngăn chặn hơn 10.000 tên miền độc hại, trong đó có hơn 2.700 tên miền lừa đảo trực tuyến. Nhờ đó, đã bảo vệ hơn 10,1 triệu người, tương ứng trên 13,1% người dùng Internet Việt Nam trước các cuộc tấn công lừa đảo trực tuyến, vi phạm pháp luật trên không gian mạng.

Giả mạo website các tổ chức uy tín để lừa người dân cài ứng dụng chứa mã độc

Top 10 website giả mạo, lừa đảo được Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cảnh báo trong tuần thứ 3 của tháng 4/2024.

Song song với việc định kỳ hoặc đột xuất phát cảnh báo về các website giả mạo, lừa đảo cũng như các hướng dẫn các biện pháp nhận diện và phòng tránh các hình thức lừa đảo phổ biến, Cục An toàn thông tin đã và đang cung cấp miễn phí nhiều công cụ công nghệ hỗ trợ người dân có thể phát hiện mã độc tồn tại trong hệ thống mạng, kiểm tra xem có bị lộ lọt thông tin hay tự kiểm tra các website nghi ngờ lừa đảo, giả mạo.

Ngoài việc cảnh báo người dùng, các chuyên gia Cục An toàn thông tin còn đề nghị các cơ quan, tổ chức, và doanh nghiệp chủ động rà quét để phát hiện sớm các website lừa đảo, giả mạo đơn vị mình, cảnh báo sớm đến người dùng. Từ đó, góp phần ngăn chặn các hoạt động lừa đảo trực tuyến, đảm bảo an toàn thông tin cho người dùng và bảo vệ chính thương hiệu của tổ chức.

Cũng trong các tháng đầu năm nay, với mục tiêu giúp những người lớn tuổi tại Việt Nam khám phá thế giới trực tuyến an toàn và tự tin hơn, Cục An toàn thông tin đã phối hợp với hãng công nghệ toàn cầu Google cho ra mắt chương trình ‘An toàn lên mạng, an tâm vui sống cùng Google’.

Tăng 'sức đề kháng' với các hình thức lừa đảo cho người dùng trực tuyến

Đề cập đến tình hình lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam, các chuyên gia an toàn thông tin đều thống nhất rằng, những năm gần đây, các hình thức tấn công lừa đảo trên không gian mạng đã có sự gia tăng đáng kể. Không những thế, tấn công lừa đảo trực tuyến ngày càng nghiêm trọng và phức tạp hơn do sự phát triển của công nghệ số cùng mức độ phụ thuộc của người dân vào mạng Internet.

Theo chuyên gia VNCS, bên cạnh xu hướng gia tăng của tấn công lừa đảo qua email, các cuộc tấn công lừa đảo khác như lừa đảo qua điện thoại, lừa đảo qua tin nhắn văn bản và lừa đảo qua các website giả mạo cũng đang tăng mạnh.

“Ứng phó với kẻ tấn công ngày càng thông minh và sử dụng các kỹ thuật tiên tiến để lừa đảo và chiếm đoạt thông tin cá nhân, tài sản, danh tính của người dùng, chúng ta phải tăng cường nhận thức về an toàn thông tin, an ninh mạng và thực hiện các biện pháp bảo vệ cá nhân và tổ chức mạnh mẽ hơn. Đặc biệt, người dùng cần được trang bị các thông tin, kiến thức về cách phòng ngừa tấn công lừa đảo trên không gian mạng để bảo vệ mình một cách hiệu quả” , chuyên gia VNCS nêu quan điểm.

Việc này cần có sự tham gia của tất cả các bên, gồm cả cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng và bản thân người dùng. “Mỗi gia đình thường sẽ có những người có kỹ năng và nhận thức tốt hơn về an toàn thông tin như thanh niên, trung niên. Vì thế, cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức an toàn thông tin của những thành viên có nhận thức tốt, từ đó họ sẽ chia sẻ, giúp nâng cao kỹ năng, tăng sức đề kháng cho các thành viên khác trong gia đình như ông bà, bố mẹ, con cháu khi tham gia môi trường mạng”.

Ý kiến

Cảnh báo lừa đảo khi tham gia sàn đầu tư tài chính trực tuyến

Cảnh báo lừa đảo khi tham gia sàn đầu tư tài chính trực tuyến

Trong tuần qua, Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT đã khuyến cáo người dân cảnh giác trước hàng loạt thủ đoạn lừa đảo trực tuyến tinh vi. Đó là vụ việc đường dây do TikToker Mr Pips lừa đảo hơn 5.200 tỷ đồng, hay một phụ nữ tại Hà Nội bị chiếm đoạt 9,4 tỷ đồng qua đầu tư tiền ảo. Các đối tượng thường hứa hẹn lợi nhuận cao, tạo niềm tin qua các giao dịch ban đầu, sau đó chiếm đoạt toàn bộ tài sản.

Tài khoản mạng xã hội cần phải xác thực để đăng tin bài

Nghị định 147 về Quản lý, cung cấp, sử dụng Internet và thông tin trên mạng được Chính phủ ban hành cuối tuần qua, thay thế cho nghị định 72/2013 và 27/2018. Một trong các thay đổi là quản lý cung cấp thông tin xuyên biên giới với những dịch vụ có lượng truy cập lớn, trên 100.000 lượt mỗi tháng hoặc có sử dụng dịch vụ lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam.
Hàng loạt website của tổ chức, doanh nghiệp của Việt Nam bị giả mạo nhằm lừa đảo.

Hàng loạt website của tổ chức, doanh nghiệp của Việt Nam bị giả mạo nhằm lừa đảo.

Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) vừa đưa ra thông báo đáng chú ý về tình hình lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam. Trong tuần qua, đã có tới 582 trường hợp lừa đảo được người dùng Internet Việt Nam phản ánh qua hệ thống này.